UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA

Đăng bài Nguyễn Thị Trâm Anh 11/09/2017 0 Comment(s) Hỗ trợ điều trị ung thư,

Ủng hộ phong trào “Nâng cao nhận thức về ung thư tuyến giáp” của thế giới, ADSK muốn chia sẽ những thông tin liên quan đến ung thư tuyến giáp cho mọi người tham khảo, các thông tin này được sưu tầm nghiên cứu trong quá trình chữa bệnh của chính người trong cuộc, người đã từng bị ung thư tuyến giáp và đã được chữa khỏi. Đã có rất nhiều tài liệu, thông tin đăng tải trên mạng do các bác sĩ, người trong ngành y soạn thảo cung cấp khá nhiều kiến thức về ung thư tuyến giáp, tuy nhiên, văn phong diễn tả hơi chuyên ngành nên hơi khó cho người bình thường hiểu được, vì vậy ADSK muốn chia sẽ những hiểu biết của mình với cách diễn đạt bình dân nhất có thể để mọi người dễ hiểu hơn. Mỗi bệnh nhân sẽ cần có một phác đồ điều trị cụ thể do chính bác sĩ khám chữa trực tiếp cho mình chỉ định, tuy nhiên, do rối trí vì mắc bệnh hiểm nghèo nên nhiều bệnh nhân không thể tập trung nghe bác sĩ giải thích và vì vậy càng lo lắng cho bệnh tật hơn. Những thông tin ADSK chia sẽ ở đây chỉ mang tính tham khảo nhằm làm rõ hơn các hướng dẫn của bác sĩ.

 

A. Tầm quan trọng của tuyến giáp

Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể, nó có trọng lượng khoảng 10-20 gram, hình dạng như con bướm và nằm khá độc lập ở phía trước vùng cổ.

Tuyến giáp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và sinh trưởng của cơ thể. Tuyến giáp sản xuất các hormon giúp kiểm soát sự trao đổi chất, nó tham gia vào sự tăng sinh các tế bào, tổng hợp các protein cần thiết cho cơ thể, cho sự phát triển của trí não và hệ thần kinh.

Chức năng của tuyến giáp là lấy iod từ thực phẩm con người ăn uống vào cơ thể và sử dụng chúng tạo ra hormon tuyến giáp gọi là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Các tế bào tuyến giáp là những tế bào duy nhất trong cơ thể có thể hấp thụ iod. Các tế bào này gắn iod với gốc amino acid tyrosin của phân tử thyroglobulin tạo ra T3, T4. Sau đó T3 và T4 được đưa vào dòng máu và được vận chuyển trong cơ thể, nơi chúng kiểm soát sự trao đổi chất (chuyển đổi oxy và calo thành năng lượng).

Mỗi tế bào trong cơ thể phụ thuộc vào hormon tuyến giáp để điều hoà sự trao đổi chất của tế bào. Tuyến giáp bình thường sản xuất khoảng 80% T4 và khoảng 20% T3, tuy nhiên, T3 có "sức mạnh" của hormon gấp 4 lần T4.

 

Tuyến giáp nằm dưới sự kiểm soát của tuyến yên, một tuyến nhỏ kích thước cỡ hạt đậu phộng nằm ở đáy não (thể hiện ở màu da cam). Khi mức hormon tuyến giáp (T3 & T4) giảm xuống quá thấp, tuyến yên sẽ sản sinh ra hormon TSH để kích thích tuyến giáp tạo ra nhiều hormon hơn. Dưới ảnh hưởng của TSH, tuyến giáp sẽ sản xuất và tiết ra T3 và T4 để nâng nồng độ của chúng lên trong máu. Tuyến yên nhận ra điều này sẽ phản ứng lại bằng cách giảm sản xuất TSH.

 

Ta có thể hình dung tuyến giáp như là một lò sưởi và tuyến yên là bộ điều nhiệt. Hormon tuyến giáp cũng giống như nhiệt. Khi nhiệt ổn định, bộ điều nhiệt ngưng hoạt động. Khi phòng lạnh (hormon tuyến giáp bị giảm), bộ điều nhiệt lại hoạt động (làm TSH tăng lên) và lò sưởi sẽ sản xuất ra nhiều nhiệt (hormon tuyến giáp).

 

Bản thân tuyến yên cũng được điều chỉnh bởi một tuyến khác, được gọi là Vùng não điều khiển thân nhiệt (hypothalamus) (thể hiện trong hình trên ở màu xanh nhạt). Vùng não điều khiển thân nhiệt là một phần của não và tạo ra TSH Releasing Hormon (TRH) để điều khiển tuyến yên kích thích tuyến giáp (giải phóng TSH). Ta có thể hình dung Vùng não điều khiển thân nhiệt là người điều chỉnh nhiệt kế vì nó nói với tuyến yên nên giúp tuyến giáp giữ ở mức độ nào.

Toàn cơ thể bình thường dự trữ khoảng 50mg iod, trong đó 1/5 đến 1/3 nguồn cung (khoảng 10-15mg) là các hormon tuyến giáp, iod của cơ thể được lưu trữ chủ yếu trong tuyến giáp.

 

 

B. Phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến giáp

Việc điều trị ban đầu của ung thư tuyến giáp thường bao gồm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, và trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, thông thường sẽ cần sử dụng đồng vị phóng xạ để cắt bỏ triệt tiêu hoàn toàn các thế bào giáp còn sót lại. Bệnh nhân được theo dõi sau khi điều trị ban đầu để kiểm tra sự tái phát của ung thư. Thông tin dưới đây áp dụng cho ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

 

  1. Phẫu thuật ngoài (có sự can thiệp của dao kéo từ bên ngoài vào)

Sau khi được chẩn đoán, bước đầu tiên trong quá trình điều trị cho ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc một phần của tuyến giáp. Đây được gọi là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc nói nôm na là “Phẫu thuật ngoài” (có sự can thiệp của dao kéo từ bên ngoài vào).

 

Phẫu thuật tuyến giáp là một thủ tục rất tinh vi vì tuyến giáp được bao quanh bởi nhiều mạch máu và dây thần kinh. Các phẫu thuật tuyến giáp được thực hiện trong phòng mổ dưới chế độ gây tê tổng quát. Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ tất cả toàn bộ tuyến giáp hoặc một phần tuyến giáp phụ thuộc vào kích thước khối u và liệu ung thư có lan ra ngoài tuyến giáp hay không.

 

Tuy nhiên, do các tế bào là quá nhỏ để bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy và lọc bỏ hoàn toàn nên khả năng tế bào giáp còn sót lại sau phẫu thuật ngoài là rất cao. Những tế bào còn sót này chính là nguyên nhân dẫn đến việc tái phát của ung thư, thậm chí là di căn qua các cơ quan khác như mắt, phổi, xương, não,…

 

  1. Phẫu thuật trong bằng đồng vị phóng xạ 131I (tiêu diệt từ bên trong tế bào không cần dao kéo)

Đối với những bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, khoảng 6 tuần sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được thảo luận với bác sĩ của mình rằng liệu có nên triệt tiêu các tế bào giáp còn sót lại bằng iod phóng xạ hay không để ngăn ngừa khả năng tái phát ung thư từ những tế bào còn sót lại sau “phẫu thuật ngoài”. Bệnh nhân sẽ được cho uống đồng vị phóng xạ 131I dưới dạng một viên nang hoặc chất lỏng với liều lượng tùy thuộc mức độ của bệnh. Iod phóng xạ được hấp thụ bởi bất kỳ tế bào tuyến giáp còn lại trong cơ thể (cả tế bào ung thư lẫn tế bào bình thường) để tiêu diệt các tế bào này nhằm đảm bảo nơi sinh sống của tế bào ung thư là tuyến giáp được loại bỏ hoàn toàn.

 

Việc triệt tiêu tế bào giáp còn sót lại bằng đồng vị phóng xạ 131I được gọi nôm na là “phẫu thuật trong”, đây là phẫu thuật không cần dao kéo và không chảy máu, các đồng vị phóng xạ xâm nhập vào tế bào giáp và sự phóng xạ phá hủy tế bào từ bên trong. “Phẫu thuật trong” này được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi các kết quả từ xạ hình toàn thân cho thấy không còn tế bào giáp trong cơ thể.

 

Phương thức  “phẫu thuật trong” này cũng được áp dụng cho các đợt kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các bệnh nhân đã có kết quả xạ hình toàn thân tốt, nhưng liều đồng vị phóng xạ 131I được cho dùng rất thấp (khoảng 5-7 mCi), việc kiểm tra định kỳ này rất cần thiết nhằm tìm kiếm những mô giáp có khả năng còn sót lại và tiếp tục phát triển làm tái phát ung thư hoặc thậm chí di căn sang bộ phận khác trong thời gian ngưng chữa trị. (Tham khảo thêm “Điều tri ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ iod – những điều cần biết”)

 

Trước khi thực hiện “phẫu thuật trong” 3 tuần, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngừng các liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp hoặc sử dụng một loại thuốc theo toa cho phép bệnh nhân vẫn duy trì liệu pháp thay thế hormon để “Chứng suy giáp” xảy ra giúp việc “phẫu thuật trong” đạt hiệu quả cao nhất. (Tham khảo thêm “Hạn chế iod trước khi xạ trị để tối đa hóa hiệu quả chữa trị ung thư tuyến giáp”).

 

C. Ảnh hưởng của việc không còn tuyến giáp

Một khi tuyến giáp bị cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần thì hormon tuyến giáp không được tạo ra hoặc tạo ra không đủ. Khi đó chứng suy giáp sẽ xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

 

Chứng suy giáp ảnh hưởng đến hàng triệu triệu người toàn cầu. Một số người có thể chỉ gặp các triệu chứng nhỏ, nhưng một số có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng của chứng suy giáp có thể bao gồm những triệu chứng dưới đây.

 

Để khắc phục chứng suy giáp, liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp được áp dụng ngay sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, bác sĩ sẽ cho uống Levothyroxin để bổ sung hormon tuyến giáp.

 

Tuy nhiên, suy giáp vẫn xảy ra ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi tạm ngừng dùng liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp để chuẩn bị cho việc sử dụng đồng vị phóng xạ I 131. Mục đích của việc ngừng này là để nâng cao mức TSH nhằm giúp cho các tế bào giáp còn sót lại trong cơ thể hấp thu đồng vị phóng xạ hiệu quả hơn (Tham khảo thêm “Điều trị ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ I 131”).

 

Mặc dù sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng của chứng suy giáp khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, điều quan trọng là phải biết những điều này và thông báo cho bác sĩ kịp thời nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe (Tham khảo thêm “Lưu ý quan trọng cho những người đã cắt bỏ tuyến giáp do ung thư”).

 

D. Thay thế Hormon tuyến giáp

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp áp dụng liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp, loại thuốc Levothyroxin thường được kê toa. Thuốc này sẽ thay thế hormon tuyến giáp như thể tuyến giáp vẫn tồn tại. Điều này rất quan trọng bởi vì hormon tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu không có sự thay thế hormon tuyến giáp, bệnh nhân có thể bị chứng suy giáp dẫn đến khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày bị rối loạn. (Tham khảo thêm “Lưu ý quan trọng cho những người đã cắt bỏ tuyến giáp do ung thư”)

 

E. Kiểm tra sức khỏe định kỳ dài hạn

Cứ mỗi 6 tháng hay 1 năm tùy vào hiện trạng của bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm máu, siêu âm vùng cổ và xạ hình toàn thân. Nếu các kết quả siêu âm, xét nghiệm và xạ hình toàn thân là tốt trong 3 năm liên tục, bác sĩ có thể cho ngừng kiểm tra xạ hình toàn thân và chỉ thực hiện kiểm tra này mỗi 5 năm để đảm bảo ung thư không bị tái phát hoặc di căn.

 

T.Anh

11-09-2017

Ý kiến của bạn