ĐIỀU TRI UNG THƯ TUYẾN GIÁP BẰNG ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ IOD – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Đăng bài Trần Thị Hương Thảo 12/09/2017 0 Comment(s) Hỗ trợ điều trị ung thư,

Ngày nay, số người bệnh ung thư tuyến giáp tăng rất nhanh, chỉ riêng ở bệnh viện ung bướu TP.HCM, năm 2014 phát hiện hơn 2.700 ca ung thư tuyến giáp thì năm 2015 con số này lên thêm hơn 30%. Trong phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp, bác sĩ thường chỉ định xạ hình (gọi nôm na là phẫu thuật trong) và đây là giải pháp khá hiệu quả mà chỉ duy nhất ung thư tuyến giáp may mắn có được.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo ngại khi cho phóng xạ vào người nên do dự chưa xạ trị theo chỉ đình của bác sĩ dẫn đến ung thư không được trị triệt để dễ tái phát lại thâm chí là di căn qua các cơ quan khác trong cơ thể.

Dù ung thư tuyến giáp được xem là loại ung thư có xác suất chữa trị khỏi hoàn toàn rất cao, nhưng một khi bệnh nhân không lo điều trị triệt để dẫn đến di căn đến những bộ phận nguy hiểm như phổi, xương, não,…. thì khả năng khỏi bệnh giảm dần, thậm chí hết cơ hội sống sót.

Nhằm giúp cho mọi người tự tin và lạc quan hơn trong việc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, ADSK đã sưu tầm thông tin từ nhiều nguồn từ tài liệu đến tư vấn trực tiếp của bác sĩ giỏi chuyên ngành để có thể mô tả rõ ràng và đầy đủ những khía cạnh liên quan đến đồng vị phóng xạ.

  1. Đồng vị phóng xạ iod (Radioactive iodine – RAI) là gì?

Năng lượng hạt nhân sử dụng trong y khoa được gọi là Y học hạt nhân, là một chuyên ngành khoa học đã có gần nửa thế kỷ nay. Việc sử dụng các đồng vị phóng xạ có thời gian bán hủy ngắn ở dạng nguồn hở là một cuộc cách mạng trong y học. Đặc biệt là việc sử dụng đồng vị phóng xạ 131I trong chẩn đoán và điều trị basedow, cường giáp, bướu giáp nhân độc, bướu giáp đơn thuần và ung thư tuyến giáp.

Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu iod rất tốt. Do vậy, khi đưa 131I vào cơ thể, chúng sẽ tập trung bám vào tuyến giáp, phá hủy những mô giáp còn sót lại sau khi phẫu thuật, cả tế bào lành tính lẫn tế bào ung thư, hoạt động này được xem như là “phẫu thuật trong” nhằm hỗ trợ cho phẫu thuật thông thường mà không cần dùng dao kéo để loại bỏ hoàn toàn tuyến giáp ra khỏi cơ thể. Rất may là các cơ quan khác trong cơ thể không có đặc tính bắt giữ 131I như tuyến giáp nên cơ thể sẽ ít chịu tác động của dược chất phóng xạ này.

Hiện nay, dùng 131I  để điều trị ung thư tuyến giáp là một phẫu thuật không chảy máu. Điều trị này là lựa chọn hàng đầu cho những bệnh nhân có bướu nhân hoạt động, kèm hoặc không kèm theo cường giáp. Liều lượng 131I sử dụng để điều trị đo bằng mCi (Millicuries). Liều phóng xạ để loại bỏ các mô tàn dư có thể từ 30-100 mCi. Đôi khi liều mạnh hơn với những bệnh nhân có bệnh lan rộng (100-200 mCi). Tác dụng phụ chủ yếu của việc điều trị này là hiện tượng suy giáp, gặp ở khoảng 10% bệnh nhân trong vòng 5 năm sau điều trị, tỷ lệ này tăng lên theo thời gian. Đối với trường hợp sử dụng đồng vị phóng xạ iod để chữa bệnh cường giáp, đến nay chưa có bằng chứng cụ thể và rõ ràng nào cho thấy việc điều trị này có thể gây ra ung thư cho tuyến giáp hoặc trên các bộ phận khác của cơ thể (*). Có thể nói phương pháp điều trị bằng đồng vị phóng xạ này rất hiệu quả và an toàn cho người bệnh ung thư tuyến giáp.

(*) Theo Endocrineweb (https://www.endocrineweb.com/conditions/hyperthyroidism/hyperthyroidism-overactivity-thyroid-gland)

 

  1. Những lưu ý trước khi điều trị:

 131I có thể được hấp thụ bởi cả tế bào ung thư và tế bào khoẻ mạnh ở tuyến giáp. Tuy nhiên, các tế bào ung thư khó hấp thụ 131I hơn các tế bào bình thường nên bệnh nhân cần lưu ý và phải tuân thủ đầy đủ 2 việc sau đây để việc điều trị có kết quả tốt:

Thứ nhất là tăng lượng hormon kích thích tuyến giáp (TSH) tới ngưỡng cần thiết. TSH kích thích mô giáp, cả tế bào bình thường lẫn ung thư, hấp thụ iod lẫn iod phóng xạ. Một lý do nữa để phải tăng TSH là vì các tế bào ung thư có kích thước nhỏ sẽ không hấp thụ iod nếu các tế bào tuyến giáp bình thường không hấp thụ. Tăng mức TSH trước khi điều trị có thể giúp các tế bào bệnh có kích thước nhỏ hấp thụ 131I tốt hơn. Có hai cách tăng mức TSH trong máu. Hai cách này có hiệu quả tương đương, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng cách nào phù hợp với tình trạng của bệnh nhân:

  • Ngưng sử dụng hormon thay thế tuyến giáp: sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân loại thuốc thay thế hormon tuyến giáp để bù đắp sự thiếu hụt 2 hormon tuyến giáp là Tvà T4. Việc dừng sử dụng các hormon thay thế này nhằm kích thích tuyến yên tiết ra nhiều TSH hơn, các tế bào giáp còn sót lại bị đói iod sẽ hấp thu iod từ đồng vị phóng xạ triệt để hơn, có như vậy thì các tế bào giáp còn sót lại đó mới bị phóng xạ tiêu hủy. Khi cơ thể không còn tuyến giáp mà cũng không được bổ sung hormon thay thế từ ngoài vào, cơ thể sẽ bị chứng suy giáp. Để cơ thể không bị suy giáp quá lâu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của  bệnh nhân, thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu chỉ ngừng dùng hormon thay thế trong 2 hoặc 3 tuần trước khi được điều trị bằng đồng vị phóng xạ.
  • Tiêm Thyrogen®: Thyrogen® là tên nhãn của thyrotropin alfa (rhTSH), đây là 1 sản phẩm tái tổ hợp TSH ở người. Tiêm thuốc này cho bệnh nhân vài ngày trước khi điều trị bằng đồng vị phóng xạ để tăng mức TSH lên nhanh chóng. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ không cần phải trải qua vài tuần chịu đựng các triệu chứng suy giáp.

 

Thứ hai là chế độ ăn kiêng iod, song song với việc ngừng dùng thuốc bổ sung hormon tuyến giáp thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện chế độ ăn nghèo iod, mục đích cũng nhằm làm cho các tế bào còn sót lại của tuyến giáp bị đói iod. Điều này rất quan trọng và cần thiết bởi vì nếu có quá nhiều iod trong cơ thể, các tế bào giáp sót lại kia sẽ hấp thu iod từ thực phẩm và không cần đến iod từ đồng vị phóng xạ nữa, như vậy thì phóng xạ không phát huy được chức năng của mình là tiêu hủy các tế bào giáp tàn dư. Một số thực phẩm cần tránh như: muối iod, muối biển, hải sản, trứng, sữa, đậu nành,..v...vv. Chất tạo màu hồng (E127) có trong các sản phẩm như soda dâu, kem dâu,.. cũng được khuyến khích không sử dụng.

Thêm nữa là sau khi uống đồng vị phóng xạ khoảng 9 ngày, bệnh nhân sẽ được xạ hình toàn thân, đây là phương pháp chụp hình toàn thân để phát hiện hình ảnh của phóng xạ trong cơ thể, chỗ nào có hình ảnh của phóng xạ hiện lên là chỗ ấy có tế bào giáp (không phân biệt tế bào ung thư hay tế bào lành), như vậy thì nếu bệnh nhân không tuân thủ 2 điều kiện bắt buộc nêu trên thì kết quả của xạ hình không thể hiện chính xác tế bào giáp còn hay không, điều này ảnh hưởng đến phác đồ điều trị tiếp theo sẽ bị sai lệch.

Để đảm bảo đồng vị phóng xạ (RAI) vô được cơ thể bệnh nhân và không làm ô nhiễm môi trường, bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng thuốc chống nôn trước khi uống RAI bởi vì có nhiều người cảm thấy buồn nôn vào ngày đầu tiên sau khi uống RAI.

 

  1. Những lưu ý sau khi điều trị:
  1. Lưu ý trong những ngày đầu sau khi điều trị

Phụ thuộc vào liều lượng đồng vị phóng xạ sử dụng trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được yêu cầu ở lại bệnh viện hoặc được phép về nhà. Thông thường với liều điều trị từ 50mCi trở lên, bệnh nhân sẽ được chỉ định ở lại bệnh viện từ 7-10 ngày, sau đó được về nhà sống cách ly tiếp 10 ngày đối với người trưởng thành và 30 ngày đối với trẻ em. Với liều điều trị dưới 50mCi, bệnh nhân sẽ được cho về nhà cách ly ngay khi uống xong 131I tại bệnh viện và vẫn áp dụng chế độ cách ly như trên.

Iod phóng xạ không được hấp thụ bởi các mô tuyến giáp sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể thông qua mồ hôi, nước bọt, đại tiện, tiểu tiện. Phần lớn iod phóng xạ đào thải hết trong một tuần.

Iod phóng xạ sẽ ảnh hưởng tuyến nước bọt, khiến bệnh nhân có cảm giác khô họng, khó chịu mỗi khi ăn uống hoặc nói. Bệnh nhân nên dùng nhiều sigum, kẹo chanh không đường để kích thích tuyến nước bọt hoạt động nhằm giảm thiểu tác dụng phụ gây ra cho tuyến này. Các món ăn cũng nên được chế biến ở dạng lỏng cho dễ nuốt để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh. Việc bổ sung nước cho cơ thể cũng là điều cần thiết, tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước so với mức cần thiết của cơ thể vì điều đó sẽ khiến thận làm việc quá tải.

  1. Những điều quan trọng bạn cần biết về việc cách ly khi ở lại bệnh viện
    • Việc cách ly là hoàn toàn cần thiết, dù bệnh nhân được chỉ định ở lại bệnh viện hay được phép về nhà. Cần tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi ít nhất là 1 tuần sau quá trình điều trị.
    • Nếu được chỉ định ở lại bệnh viện, bệnh nhân sẽ ở trong phòng chăm sóc đặc biệt cùng với các bệnh nhân khác đang điều trị cùng bệnh, chỉ được phép sinh hoạt trong phạm vi cách ly và sẽ được rời khỏi phòng cách ly theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường các y tá và điều dưỡng sẽ hướng dẫn chi tiết hoặc phát cho bệnh nhân 1 cuốn sổ hướng dẫn cụ thể những điều cần lưu ý khi ở lại bệnh viện.
    • Bệnh nhân có thể dùng thuốc bổ sung hormon tuyến giáp một hoặc hai ngày sau khi sử dụng RAI, tuỳ vào chỉ định của bác sĩ.
    • Trong 3 ngày đầu sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng iod để phóng xạ phát huy hết chức năng tiêu diệt tế bào giáp.
    • Bệnh nhân nên chuẩn bị sẵn cho mình một vài loại thức ăn mang theo như hoa quả, các loại đậu rang không muối, ngũ cốc,… cùng với dụng cụ ăn uống cho bản thân tiện sử dụng trong những ngày bị cách ly.
    • Trong quá trình cách ly ở bệnh viện, bệnh nhân có thể mang một số tài liệu để đọc như báo, tạp chí, những thứ có thể vứt đi sau đó. Bệnh nhân nên mang theo kính, kính áp tròng, hoặc các thiết bị y tế cá nhân nhưng không nên mang máy tính vào vì nó có thể trở thành vật ô nhiễm (phóng xạ) khi mang ra ngoài bệnh viện nhằm tránh phải để lại bệnh viện và quay lại lấy sau vài ngày.
    • Bệnh viện có thể phát cho bệnh nhân quần áo và dép, tuy nhiên nếu không có, bệnh nhân có thể sử dụng đồ dùng của mình nhưng nhớ giặt sạch và bỏ váo túi ni lông cất riêng để dành dùng cho đợt điều trị sau (nếu có) hoặc bỏ đi.
    • Bệnh nhân có thể dùng thuốc nhuận tràng để giảm lượng iod phóng xạ phơi nhiễm lên đường ruột
    • Thường xuyên tắm gội và vận động sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng gột rửa phóng xạ tiết ra qua mồ hôi. Tập thể dục cùng với các bệnh nhân khác cũng là một cách rất hay để bệnh nhân vừa mau thải phóng xạ, vừa giúp đỡ buồn phiền trong những ngày phải sống cách ly.
  2. Trong thời gian cách ly tại nhà.
    • Bệnh nhân nên cách xa mọi người ít nhất 1m trừ trường hợp khoảng thời gian tiếp xúc ngắn ít hơn một giờ mỗi ngày, trong vòng khoảng 5 ngày, cách xa 2 mét nếu tiếp xúc nhiều. Tránh xa trẻ nhỏ hoặc phụ nữ có thai trong 8 ngày, giữ khoảng cách với cả thú cưng, đặc biệt là không được hôn ai.
    • Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc tránh tiếp xúc trong bao lâu. Số ngày phụ thuộc vào việc có trẻ nhỏ ở nhà, phụ nữ có thai ở nơi làm việc, hoặc các yếu tố khác.
    • Bệnh nhân không nên ngồi cạnh ai trên ô tô hoặc trên phương tiện công cộng khác nhiều hơn 1 giờ. Tốt nhất là nên ngồi ở ghế sau cùng của ô tô, khác bên với người lái.
    • Bệnh nhân nên ngủ ở phòng riêng (xa ít nhất 2m) với những người khác.
    • Bệnh nhân nên sử dụng khăn tắm riêng, giặt riêng khăn và đồ lót trong một tuần.
    • Bệnh nhân nên sử dụng dụng cụ ăn riêng hoặc dụng cụ ăn dùng một lần. Rửa dụng cụ ăn riêng trong một tuần. Không nấu ăn cho người khác.
    • Bệnh nhân nên thường xuyên tắm rửa mỗi ngày và nhớ cọ rửa chậu rửa và bồn tắm cẩn thận sau khi sử dụng.
    • Bệnh nhân nên rửa tay với xà phòng và nhiều nước mỗi lần đi vệ sinh, xả bồn cầu và rửa chỗ ngồi sau mỗi lần sử dụng. Nếu là nam giới, nên ngồi khi đi tiểu để tránh làm bắn nước tiểu ra ngoài trong 1 tuần.
    • Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về việc nên chờ bao lâu mới có con sau khi điều trị (thường ít nhất 2 tháng với nam giới, 6-12 tháng với nữ giới)
    • Nếu bệnh nhân đang cho con bú, nên ngừng việc đó trước khi uống RAI, và không nên cho bú lại. Tuy nhiên có thể cho con bú trong lần sinh nở kế tiếp.
    • Nếu bệnh nhân cần đi lại bằng máy bay hoặc các phương tiện khác sau khi uống RAI, nên mang theo thẻ thông tin hoặc thư giải thích của bác sĩ cùng bệnh nhân trong ít nhất 3 tháng kể từ khi uống RAI bởi vì thiết bị phát hiện phóng xạ ở sân bay, xe bus hay nhà ga, bãi rác, ở một số biên giới quốc gia và trong một số tòa nhà có thể phát hiện ra mức phóng xạ thấp.
  3. Chăm sóc vệ sinh răng miệng tại nhà sau RAI
    • Các chăm sóc đi kèm sau khi điều trị bằng RAI rất quan trọng  để trung hòa sự thay đổi độ a xít trong nước bọt của bệnh nhân.
    • Cùng với việc chú ý đến những thay đổi trong vị giác hoặc nước bọt, bệnh nhân nên ngưng sử dụng kem đánh răng thông thường và các sản phẩm súc miệng, thay vào đó là nên dùng kem đánh răng ultra-soft và nước súc miệng không chứa ethanol, phenol, hoặc chất làm trắng.
    • Một lựa chọn tốt khác thay cho kem đánh răng thông thường là dùng baking soda như chất cọ rửa và trộn baking soda với nước dùng như nước súc miệng dùng 4-5 lần mỗi ngày (có thể trộn một thìa đầy baking sô đa với 280ml nước).
    • Vệ sinh răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa rất quan trọng.

 

  1. Các tác dụng phụ của điều trị iod phóng xạ.

Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp điều trị bằng iod phóng xạ là làm suy chức năng của tuyến nước bọt, làm thay đổi về vị giác, ngay cả khi bệnh nhân không ăn, hoặc thay đổi vị giác của bệnh nhân với một số đồ ăn nhất định. Sự thay đổi vị giác này sẽ biến mất dần dần. Tuy nhiên, nhiều người có thể trải qua đến vài tháng. Một số báo cáo nói rằng việc thay đổi vị giác biến mất rồi sau đó lại xuất hiện sau vài tuần.

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn khi gặp các vấn đề sau đây:

  • Sự khô miệng: nếu triệu chứng không giảm, hỏi bác sĩ về các sản phẩm giúp giảm nhẹ vấn đề, như là gel và thuốc xịt. Ở vài người, đặc biệt sau liều phóng xạ cao, sự tác động lên tuyến nước bọt, có thể gây ra khô miệng kéo dài. Điều này làm tăng các vấn đề bệnh răng miệng. Vì vậy, cần phải gặp nha sĩ thường xuyên định kỳ.
  • Nếu bệnh nhân phải đối mặt với triệu chứng khô mắt và giảm tiết nước mắt, hãy thảo luận với bác sĩ. Nếu bệnh nhân đeo kính áp tròng, hỏi bác sĩ nên dừng đeo trong bao lâu.
  • Hiếm gặp hơn, tuyến nước bọt và các tuyến lệ có thể phình to và ngưng hoạt động. Nếu xảy ra hiện tượng này, cần nói với bác sĩ ngay lập tức để được giúp đỡ.

Các tác dụng phụ khác:

  • Giảm tế bào máu tạm thời hoặc kéo dài: Số lượng tế bào máu tự tái tạo, ít nhất là đến khi nằm trong khoảng bình thường, nếu không đạt được mức trước khi điều trị. Kiểm tra máu có thể tiến hành vài tuần sau RAI để chắc chắc lượng tế bào máu của bệnh nhân ở mức bình thường.
  • Bất kỳ người nào tiếp nhận điều trị phóng xạ đều có thể làm tăng nguy cơ với các loại bệnh khác trong tương lai. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng sự tăng nguy cơ đối với các ung thư khác xảy ra sau khi tổng liều điều trị đạt 500-600 mCi hơn là với chỉ một liều đơn lẻ.
  • Ở nam giới, nếu bệnh nhân tiếp nhận tổng liều điều trị (cộng dồn các lần điều trị) iod phóng xạ lớn có thể bị giảm lượng tinh trùng. Có thể thảo luận về việc lưu trữ tinh trùng với bác sĩ nếu như liệu trình của bệnh nhân nhiều hơn một liều phóng xạ.
  • Ở nữ giới, nhiều người có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều kéo dài tận một năm sau điều trị, có người bị rong kinh trong nhiều năm. Nhiều bác sĩ đề nghị bệnh nhân nữ tránh có thai ít nhất 6 tháng sau điều trị.
  • Nếu bệnh nhân đã có thai khi bị chẩn đoán ung thư, bác sĩ sẽ có hướng dẫn riêng cho thai kỳ của bệnh nhân. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên tiếp nhận điều trị iod phóng xạ ở bất kỳ thể nào (129I hay 131I). Phần lớn phụ nữ có thai có thể được hoãn phẫu thuật cho đến sau sinh. Nếu phẫu thuật cần tiến hành sớm hơn, thường sẽ tiến hành vào kỳ thứ 2 của quý ba tháng (khi thai 22 tuần tuổi). Thêm nữa, phụ nữ có thai không nên điều trị bằng tia xạ bên ngoài hoặc hóa trị cho đến khi em bé được sinh ra.

Mặc dù các tác dụng phụ có gây khó khăn cho cuộc sống của bệnh nhân sau này nhưng các khó khăn này có thể khắc phục và chịu đựng được, việc điều trị ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ thật sự là cần thiết để triệt tiêu hoàn toàn chỗ trú ngụ của tế bào ung thư, bệnh nhân ung thư tuyến giáp không nên chần chừ mà kéo dài thời gian chữa trị gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.

H. Thảo

13-09-2017

 

NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/thyroid-cancer/treatment/radiotherapy/radioactive-iodine-treatment/preparing-radioactive-iodine-treatment
  2. https://www.endocrineweb.com/conditions/thyroid-cancer/radioactive-iodine-papillary-thyroid-cancer
  3. https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html
  4. https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/radioactive-iodine.html
  5. https://www.endocrineweb.com/conditions/hyperthyroidism/radioactive-iodine-hyperthyroidism
  6. https://www.verywell.com/hyperthyroidism-treatments-3232982
  7. https://wholenewmom.com/health-concerns/tsh-hypothyroid-thyroid-test

Ý kiến của bạn