BÁC SĨ TRỊNH THỊ MINH CHÂU VÀ Y HỌC HẠT NHÂN TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP

Đăng bài Nguyễn Thị Trâm Anh 20/05/2017 0 Comment(s) Hỗ trợ điều trị ung thư,

BÁC SĨ TRỊNH THỊ MINH CHÂU VÀ Y HỌC HẠT NHÂN TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP

 

“Ung thư” xưa nay vẫn được xem là bản án tử cho những người kém phước mắc phải, tuy nhiên, ung thư tuyến giáp lại là tin tốt cho những người mắc bệnh vì việc chữa trị ung thư tại tuyến giáp có nhiều hy vọng thành công hơn ung thư tại các bộ phận khác.

 

Trước tiên là mức độ tiến triển của ung thư tuyến giáp phát triển khá chậm, nhờ vậy mà bệnh nhân có thêm thời gian để chiến đấu với căn bệnh. Có những bệnh nhân khi phát bệnh không có điều kiện chữa trị, bệnh kéo dài cả vài năm mới di căn qua các bộ phận khác. Tuy nhiên, do không có biểu hiện rõ rệt nên nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh ung thư tuyến giáp vào những dịp vô tình như đi khám sức khỏe tổng quát thấy có u bướu, hoặc khi di căn sang mắt hay xương, chữa trị cho mắt và xương mãi không được mới mát hiện ra nguồn gốc là do ung thư tuyến giáp và đã di căn sang mắt và xương, đến lúc này thì cái gốc cần điều trị phải là tuyến giáp nhưng cả phác đồ điều trị tổng thể sẽ phức tạp hơn và khả năng thành công cũng rất thấp.

 

Kế tiếp là nhờ tuyến giáp nằm khá độc lập trong cơ thể nên việc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp (được xem như ngôi nhà của ung thư tuyến giáp) khá dễ dàng, nhờ vậy mà ổ chứa tế bào ung thư không còn chỗ để phát triển, vị trí độc lập này còn giúp giảm được nguy cơ lan tỏa của tế bào ung thư, khả năng di căn ít hơn các ung thư khác. Trong khi các cơ quan khác như gan thận phèo phổi lại nằm gần kề nhau, các mạch máu liên thông nhau nên chữa chỗ này chưa xong thì ung thư đã phát tán ra chỗ khác, cơ hội chữa trị thành công không cao.

 

Cuối cùng là giải pháp chữa trị tiên tiến đã cho người mắc bệnh ung thư tuyến giáp nhiều cơ hội chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm này. Đó là phương pháp điều trị bằng đồng vị phóng xạ, còn được xem như là “phẫu thuật trong không làm chảy máu” hỗ trợ cho việc phẫu thuật dao kéo cắt bỏ sạch sẽ tuyến giáp. Đồng vị phóng xạ sẽ tìm các tế bào của tuyến giáp còn sót lại sau khi phẫu thuật để triệt tiêu hẳn các tế bào này, như vậy thì các tế bào ung thư mới không còn ổ để sinh sôi phát triển tiếp, có thể hiểu đơn giản đây là cách giải tỏa mặt bằng không cho tế bào ung thư có đất dung thân.

 

Nói đến phương pháp điều trị bằng đồng vị phóng xạ cho ung thư tuyến giáp thì phải nhớ đến công ơn của vị bác sĩ đã mang phương pháp tiên tiến này về Việt Nam. Bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được học bổng OMS tu nghiệp Y học hạt nhân (1980 – 1982) tại London – Vương Quốc Anh, Bác thường xuyên đi thực tập sinh ngắn hạn về Y học hạt nhân tại Thụy Điển, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan, Mỹ, Đức, Bỉ, Singapore và Thái Lan. Từ những nghiên cứu khoa học của mình trong suốt mấy chục năm qua, Bác đã giúp cho hàng vạn bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ.

 

Theo bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu, điều trị bằng đồng vị phóng xạ đang được áp dụng rất rộng rãi, có hiệu quả ở các bệnh viện trong nước và trên thế giới, đồng vị phóng xạ 131I không chỉ được dùng trong điều trị ung thư tuyến giáp mà còn được dùng trong điều trị Basedow, cường giáp, bướu giáp nhân độc, bướu giáp đơn thuần, điều trị giảm đau trong ung thư di căn xương bằng 153Sm hoặc 32P…

 

Để phương pháp điều trị này giúp được nhiều bệnh nhân hơn, bác đã truyền dạy kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cho rất nhiều bác sĩ. Tuổi tác không ảnh hưởng đến năng suất làm việc của Bác, nay Bác đã hơn 80 tuổi mà mỗi ngày Bác vẫn đều đặn đến bệnh viện để cố vấn dạy dỗ các bác sĩ trẻ và vẫn khám chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân. Trong suốt 8 năm 1990 – 1998, bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu đã giữ vị trí Trưởng khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đầu tiên có khoa Y học hạt nhân tại TP.HCM. Hiện tại bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu là Trưởng Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 1, Trưởng Module Y học hạt nhân – Khoa Y – Đại học Quốc gia, Cố vấn Khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu không cần mở phòng mạch riêng vì Bác muốn toàn tâm chữa trị cho tất cả những bệnh nhân đáng thương, không phân biệt giàu nghèo. Ngoài tinh hoa nghề nghiệp của mình cứu chữa cho bệnh nhân ung thư, Bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu còn thường xuyên giúp chi phí cho những bệnh nhân quá nghèo không đủ tiền để chữa trị. Những ai đã từng tiếp xúc với Bác đều có một cảm giác rất gần gũi thân thương và kính phục cái tài cái tâm của Bác, Bác chính là vị Bồ Tát mang lại niềm hy vọng thoát cửa tử của nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp.

 

Những thành tựu và đóng góp trong ngành y của Bác đã được Hiệp hội Y khoa phóng xạ Quốc tế trao tặng danh hiệu "Bác sĩ có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của Y học hạt nhân ở Việt Nam" vào tháng 9 năm 2007, và vào ngày 22 tháng 2 năm 2008 tại Việt Nam bác đã được phong danh hiệu “THẦY THUỐC NHÂN DÂN”.

 

Cầu chúc bác sĩ Trịnh Thị Minh Châu luôn khỏe và ngành y học ngày càng phát triển để tất cả các bệnh nhân mắc bệnh thư có thêm hy vọng được chữa trị thành công.

 

T.Anh

20-05-2017

Ý kiến của bạn