LƯU Ý QUAN TRỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CẮT BỎ TUYẾN GIÁP DO UNG THƯ

Đăng bài Nguyễn Thị Trâm Anh 11/09/2017 0 Comment(s) Hỗ trợ điều trị ung thư,

Khi tuyến giáp phải bị cắt bỏ do ung thư tuyến giáp thì hoạt động của tuyến yên và các bộ phận khác trong cơ thể sẽ bị rối loạn, cơ thể sẽ bị chứng suy giáp với một loạt các triệu chứng như mệt mỏi, giảm sức đề kháng, tăng cân hoặc khó giảm cân, tóc khô dễ gãy dễ rụng, da nhợt nhạt khô ráp, sợ lạnh, thường xuyên bị chuột rút và đau cơ, táo bón, phiền muộn, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ, giảm ham muốn, chu kỳ kinh nguyệt bất thường.

 

Nguyên nhân của chứng suy giáp là khi tuyến giáp không còn thì mức hormon tuyến giáp (T3 & T4) giảm xuống bằng 0, điều này sẽ kích thích tuyến yên sản sinh ra quá nhiều hormon TSH nhằm kích thích tuyến giáp tạo ra nhiều hormon hơn, nhưng tuyến giáp không còn để sản sinh ra T3 & T4. Quá trình này dẫn đến việc mất cân bằng các hormon trong cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày.

 

Để lập lại trật tự cho các hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể, những người không có tuyến giáp cần phải lưu ý một số điều sau:

 

1. Dùng thuốc bổ sung hormon tuyến giáp và duy trì ổn định TSH:

Một khi bệnh nhân ung thư tuyến giáp bị cắt bỏ tuyến giáp, chỉ có một cách duy nhất là sử dụng các loại thuốc thay thế hormon tuyến giáp (ví dụ như Levothyroxin) ở mức “ức chế”. Việc bổ sung lượng hormon tuyến giáp ổn định ở mức “ức chế” này nhằm giữ cho TSH kích thích tuyến giáp ở mức cực thấp, thậm chí không nhìn thấy được. Tình trạng này được coi như là “cường giáp” theo tiêu chuẩn của nhiều nơi xét nghiệm, nhưng việc bổ sung hormon tuyến giáp ở mức “ức chế” trên là cần thiết để ngăn ngừa ung thư tái phát ở một số bệnh nhân.

Dù tình trạng được mô tả trên giống như là “cường giáp” nhưng thật sự bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã không còn tuyến giáp nên bản chất cốt lõi là bệnh nhân đang bị suy giáp, vì vậy mà những lưu ý khắc phục chứng suy giáp cần được áp dụng.

Việc bổ sung hormon tuyến giáp này thực tế giúp ổn định nội tiết tố và cơ thể ít bị biến động trong chức năng tuyến giáp, bệnh nhân ung thư tuyến giáp đã cắt bỏ hết tuyến giáp dễ dàng giữ một mức TSH tối ưu trên một liều thuốc nhất quán, so với bệnh nhân chưa cắt bỏ hết toàn bộ tuyến giáp. Thực tế cho thấy trên những bệnh nhân vẫn còn một phần tuyến giáp, hormon môn tuyến giáp vẫn được tạo ra và có thể làm tăng hoặc giảm chức năng của tuyến giáp một cách thất thường, dẫn đến việc khó điều chỉnh mức hormon tuyến giáp.

 

2. Chế độ ăn uống phù hợp để việc hấp thu thuốc bổ sung hormon tuyến giáp hiệu quả nhất.

Có rất nhiều tài liệu khuyên những người có vấn đề về tuyến giáp (như rối loạn tuyến giáp, bướu cổ) không nên dùng một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật (ví dụ như cải bắp, bông cải xanh, cải xoăn, đậu nành, ...) vì những thực phẩm này có khả năng can thiệp vào chức năng của tuyến giáp và làm vấn đề trầm trọng hơn. Nhưng một khi tuyến giáp không còn thì các thực phẩm trên không cần bị kiêng nữa, bởi vì xét ở một khía cạnh khác thì những thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với đậu nành thì người không có tuyến giáp vẫn nên cẩn thận, không nên lạm dụng các loại thực phẩm từ đậu nành vì lượng đậu nành quá mức có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ đúng mức thuốc thay thế hormon tuyến giáp.

 

Ngoài hai vấn đề cần đặc biệt lưu tâm nêu ở trên, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân ung thư tuyến giáp thực hiện một số điều sau đây để có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân và luôn khỏe mạnh.

  • Tập thể dục đều đặn
  • Tập thói quen ăn uống tốt, lành mạnh
  • Thu xếp thời gian thư giãn

 

T.Anh

12-09-2017

Ý kiến của bạn