HẠN CHẾ IOD TRƯỚC KHI XẠ TRỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP

12/09/2017 0 Comment(s) Hỗ trợ điều trị ung thư,

Mỗi khi được điều trị bằng đồng vị phóng xạ (gọi là xạ trị, dùng liều trên 5 mCi) hoặc xạ hình (để kiểm tra định kỳ, dùng liều rất thấp), bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số việc cho khâu chuẩn bị trước khi được dùng đồng vị phóng xạ. Bài viết này nhằm giải thích rõ hơn những yêu cầu của bác sĩ.

 

1. Mối liên hệ giữa iod và tuyến giáp

Tuyến giáp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và sinh trưởng của cơ thể, nó sản xuất các hormon giúp kiểm soát sự trao đổi chất, nó tham gia vào sự tăng sinh các tế bào, tổng hợp các protein cần thiết cho cơ thể, cho sự phát triển của trí não và hệ thần kinh. Để hoàn thành vai trò của mình, tuyến giáp cần được cung cấp một nguyên tố hóa học là iod mà cơ thể hấp thụ từ thực phẩm ăn và nước uống hàng ngày. Toàn cơ thể bình thường dự trữ khoảng 50mg iod, trong đó 1/5 đến 1/3 nguồn cung (khoảng 10-15mg) là các hormon tuyến giáp, iod của cơ thể được lưu trữ chủ yếu trong tuyến giáp. Tuyến giáp thực hiện vai trò của mình là kết hợp iod với tyrosine (một acid thiết yếu) để tạo ra kích thích tố quan trọng là T3, T4.

 

2. Tóm tắt quy trình điều trị ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ 131I

Nguyên tắc của việc chữa trị ung thư tuyến giáp là dọn sạch nơi sống của tế bào ung thư để triệt tiêu nguy cơ tái phát ung thư cho bệnh nhân.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thì khả năng còn sót lại các tế bào giáp rất cao vì bác sĩ phẫu thuật khó có thể lọc sạch được các tế bào quá nhỏ bé của tuyến giáp, việc điều trị bằng đồng vị phóng xạ 131I được xem như là “phẫu thuật trong” (nghĩa là không có dao kéo và không làm chảy máu) nhằm hỗ trợ “phẫu thuật ngoài” (dùng dao kéo) tiêu diệt tận gốc các tế bào của tuyến giáp.

Bệnh nhân ung thư giáp sẽ được cho dùng đồng vị phóng xạ 131I (liều lượng tùy mức độ nặng nhẹ), nếu tế bào tuyến giáp còn trong cơ thể thì nó sẽ hút các đồng vị phóng xạ và bị tiêu diệt. Bác sĩ không thể nhìn thấy được các tế bào tuyến giáp nhưng hình ảnh của phóng xạ thì có thể nhìn thấy thông qua hình ảnh chụp toàn thân (gọi là xạ hình). Sau khi uống 131I khoảng 3 tuần, phần lớn phóng xạ sẽ thải ra ngoài cơ thể thông qua đường tiêu hóa, đường tiểu và đường mồ hôi, nếu trên hình ảnh có sự tồn tại của phóng xạ thì bác sĩ sẽ biết được tế bào tuyến giáp còn tồn tại trong cơ thể, dựa vào mức độ hình ảnh phóng xạ nhiều hay ít, bác sĩ biết được tế bào giáp còn sót lại nhiều hay ít để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

 

3. Mối liên hệ giữa đồng vị phóng xạ 131I và tuyến giáp

Khi bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân uống đồng vị phóng xạ 131I bác sĩ thường căn dặn bệnh nhân không được uống levothyroxin (là một dạng tổng hợp của hormon tuyến giáp, gọi nôm na là nội tiết tố bổ sung), không được ăn uống những thực phẩm giàu iod như hải sản, rong biển,…

Lý do của việc căn dặn này là vì đồng vị phóng xạ rất nhạy cảm với các tế bào tuyến giáp, nếu bệnh nhân uống levothyroxin hoặc dùng các thực phẩm giàu iod, các tế bào giáp còn sót lại sẽ hấp thu iod từ thuốc và thực phẩm này và vì vậy chúng không cần đến iod từ đồng vị phóng xạ nữa hoặc hấp thu rất ít dẫn đến việc sử dụng đồng vị phóng xạ 131I không hiệu quả vì những điều sau:

  • Phần phóng xạ không được tế bào giáp hấp thu sẽ được thải ra ngoài cơ thể;
  • Tế bào giáp hấp thụ iod từ thuốc hoặc thực phẩm sẽ không bị phóng xạ tiêu diệt, vẫn còn tế bào giáp sót lại trong cơ thể đồng nghĩa với khả năng vẫn còn nguy cơ tái phát ung thư;
  • Kết quả xạ hình không thể hiện chính xác mức độ tồn tại của tế bào giáp còn sót lại và dẫn đến việc chỉ định sai phác đồ điều trị.

Ý nghĩa của việc hạn chế iod là để cho cơ thể trở về trạng thái suy giáp đúng mức không có tuyến giáp, không có hormon tuyến giáp sẽ kích thích mức TSH tiết ra nhiều hơn nhằm giúp cho các tế bào giáp còn sót lại trong cơ thể đói iod hơn và chúng sẽ hấp thu đồng vị phóng xạ hiệu quả hơn nhằm giúp quá trình điều trị với đồng vị phóng xạ 131I chính xác và thuận lợi hơn.

 

4. Thực đơn nghèo iod dành cho người đang điều trị ung thư tuyến giáp

Đây là thực đơn nghèo iod dành cho người đang điều trị ung thư tuyến giáp, không phải thực đơn hoàn toàn không có iod. Mục tiêu là để cơ thể chỉ hấp thu iod dưới 50 mcg/ngày.

  • Cơ chế: Với thực đơn nghèo iod, cơ thể sẽ dần trở nên thiếu hụt iod. Tạo tiền đề khi đưa các đồng vị phóng xạ 131I vào cơ thể, các tế bào tuyến giáp sẽ hấp thụ mạnh, giúp tăng hiệu quả của việc điều trị.
  • Thời gian áp dụng: thực đơn này chỉ dùng trong thời gian ngắn khoảng 2-3 tuần trước khi được cho uống đồng vị phóng xạ 131I
  • Lưu ý: việc thiếu iod trong thời gian dài sẽ gây ra chứng suy giáp làm cho cơ thể bị phù, mệt tim do suy giáp nặng, nếu người bệnh thấy quá mệt thì phải thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc được tiến hành uống 131I sớm hơn dự định
  • Hàm lượng iod có thể được dùng:
    • Theo hiệp hội tuyến giáp Hoa Kì khuyến cáo lượng iod trong thực đơn nên dưới 50 mcg/ngày.
    • Tránh những thực phẩm, đồ uống có hàm lượng iod cao trên 20 mcg/lần ăn.
    • Sử dụng thực phẩm, đồ uống có hàm lượng iod thấp dưới 5 mcg/lần ăn.
    • Khuyến cáo giới hạn lượng iod trung bình từ 5 mcg – 20 mcg trong các loại thực phẩm

Bệnh nhân và người thân nên đọc danh sách các thành phần trên nhãn thực phẩm đóng gói. Kiểm tra với bác sĩ về thuốc mà mình đang sử dụng.

Những thực phẩm và thành phần không được phép sử dụng

Những thực phẩm và thành phần được phép sử dụng

  • Muối iod, muối biển và bất kì thực phẩm nào chứa iod/muối biển
  • Đồ biển và sản phẩm từ biển (cá, sò, tôm, rong biển, rau câu,…)
  • Sữa, sữa chua, bơ, kem, pho mát
  • Lòng đỏ trứng và bất cứ sản phẩm chứa lòng đỏ trứng
  • Bánh mì chứa thành phần tạo màu có nhiều iod. Các sản phẩm bánh mì hoặc từ bột mì thủ công hay thương mại chứa ít iod vẫn được chấp nhận
  • Màu thực phẩm Erythrosine (Red dye) #3 (E127 tại Anh)
  • Hầu hết các sản phẩm chocolate (bởi vì có chứa sữa). Bột cacao và chocolate đen có thể dùng
  • Một vài loại đường mật (mật mía, mật củ cải đường) có màu đen tuyền, sánh đặc.
  • Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như tàu hủ, sữa đậu nành, tương đậu nành. Một vài thực đơn khác khuyến cáo tránh các loại đậu khác như: đậu thận đỏ, đậu lima, đậu navy, đậu pinto, đậu đũa.
  • Cây đại hoàng (rhubarb), vỏ khoai tây thì không dùng, nhưng ruột khoai tây thì vẫn sử dụng được bình thường.
  • Thực phẩm bổ sung có chứa iod.
  • Nên kiểm tra với bác sĩ nếu đang dùng bất kỳ thuốc nào có chứa iod.
  • Trái cây, ngoại trừ anh đào ngâm rượu (có Red dye #3) và cây đại hoàng (rhubarb)
  • Các loại rau: tốt hơn hết là rau sống hoặc đông lạnh và không có muối, ngoại trừ đậu nành và một vài loại đậu khác.
  • Các loại hạt không muối và bơ hạt không muối
  • Lòng trắng trứng
  • Dưới 170 g thịt tươi mỗi ngày
  • Ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc không quá 4 lần ăn/ngày, loại không có chứa iod.
  • Mì Ý không chứa iod
  • Đường, thạch, mứt, si-rô
  • Tiêu đen, thảo mộc tươi/khô và gia vị
  • Tất cả các loại dầu, bao gồm cả dầu đậu nành
  • Soda như cola, cà phê rang xay, trà xác, bia, rượu, nước trái cây, nước chanh, trừ các loại bổ sung Red dye #3

 

Chú thích thêm: Tại sao sữa, bánh mì lại chứa lượng lớn iod?

Theo nghiên cứu được xuất bản vào năm 2004, Journal of clinical endocrinology and metabolism, kiểm nghiệm 18 mẫu sữa có xuất xứ từ Boston, Massachusetts. Kết quả cho thấy trong 250 ml sữa có chứa 88 – 168 mcg iod, tính lượng trung bình là 115 mcg iod. Nghiên cứu cũng chỉ ra, iod có trong sữa là từ nguồn thức ăn cho gia súc, từ sản phẩm dùng làm sạch vú, núm vú của bò sữa và một lượng nhỏ từ sản phẩm làm sạch thiết bị.

Cũng theo nghiên cứu trên, trong 1 lát bánh mì của 20 thương hiệu bánh mì khác nhau có chứa từ 2.2 đến 587 mcg iod. Do vậy, cần lưu ý đọc kĩ thành phần khi mua bánh mì hoặc bánh quy làm từ bột mì hoặc chỉ nên dùng những sản phẩm khi biết chắc chắn lượng iod từ nhà sản xuất công bố hoặc bánh do tự tay làm.

Chất tạo màu đỏ (Red dye # 3 hay E127) bị cấm, tuy nhiên Red dye # 40 thì dùng được. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bệnh nhân tránh các sản phẩm chế biến có màu đỏ, cam hoặc nâu vì những chất tạo màu này đều chứa iod.

 

Q.Hương

12-09-2017

Ý kiến của bạn